Marshall Woburn – sống lại tinh thần classic rock

Marshall có thiết kế bụi bặm, thoạt nhìn như những chiếc radio cổ lỗ, nhưng ẩn chứa bên trong những năng lực mạnh mẽ và chất âm đặc biệt mà các thương hiệu loa di động mới nổi khó sánh kịp.

 

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 1

 

Đánh giá của NgheNhìn Việt Nam
Không ngạc nhiên khi Woburn sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật, quan trọng nhất là tạo ra sân khấu âm thanh ba chiều như dàn hi-fi rời, công suất ampli lớn. Điều này góp phần mang đến những trải nghiệm âm nhạc lôi cuốn hơn cho người nghe. Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu và hình thức bắt mắt sẽ khiến bộ loa này – và các đàn em – trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhóm khách hàng trẻ tuổi và cả những người mê rock. Một lựa chọn sáng giá ở tầm tiền dưới 20 triệu đồng.

 

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 2

Trong thời đại di động lên ngôi như hiện nay, với nhiều người, một hệ thống nghe nhạc hi-fi không chỉ mang đến chất lượng âm thanh tốt mà còn phải bắt mắt, cơ động và dĩ nhiên, phải có kết nối không dây (wireless). Đó cũng là lý do để Marshall tung ra series loa di động đa năng với 5 sản phẩm có kích thước và mức công suất khác nhau nhưng chất lượng âm thanh lại hoàn toàn đồng nhất, bao gồm: Kilburn – Acton – Stanmore – Woburn – Hanwell. Với những người yêu rock, đặc biệt là rock cổ điển, Marshall là sự gợi nhớ về một thời hoàng kim, một dĩ vãng đã xa nhưng chưa bao giờ lụi tàn. Hiện 3 sản phẩm Acton, Stanmore và Woburn đã hiện diện tại Việt Nam.

Cho những căn phòng có diện tích từ 15 – 20 mét vuông, Woburn có lẽ là lựa chọn thích hợp nhất. Thiết kế của bộ loa này cũng như hai đàn em thực sự phù hợp với những căn phòng décor theo kiểu phá cách nhờ lối thiết kế khỏe khoắn, bụi bặm đậm chất rock. Nó khiến người ta liên tưởng đến những chiếc ampli sát cánh cùng các quái kiệt guitar của mọi thời đại.

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 3

Xét về mặt kiểu dáng, Woburn trông khá giản dị với hình khối hộp vuông vắn, kích thước tương đối đồ sộ nếu phải so với nhiều bộ loa di động khác đang có mặt trên thị trường. Điểm nhấn đầu tiên chính là lớp ê-căng bằng vải bố rất “phủi” với logo Marshall màu vàng đầy kiêu hãnh. Bốn cạnh của máy được phủ một lớp nhựa dẻo cao cấp dầy dặn nhìn giống hệt da thật với hai lựa chọn về màu sắc và kem và đen xám. Riêng phiên bản giới hạn design bởi John Varvatos thì nhựa dẻo cao cấp được thay bằng da bê Italia, logo Marshall làm từ đồng nguyên chất, chỉ có 300 chiếc ra mắt thị trường, đánh số từ 1 – 300. Ở cạnh trên là hệ thống phím chức năng theo kiểu analog với nút on/off dạng công tắc gạt bằng đồng, chỉnh volume và chỉnh bass – treble dạng nút vặn kim loại bọc nhựa, đèn LED báo các cổng kết nối. Một bộ loa nghe nhạc rất vintage nhưng thừa sức mạnh để biến mọi không gian thành thiên đường của rock.

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 4

Đằng sau lớp ê-căng là hệ thống âm thanh hai đường tiếng chính hiệu với một cặp loa treble dome 2cm (màng hình cầu lồi), một cặp loa bass 13,5cm, được “đánh” bằng ampli chạy class D tổng công suất 90 watt (2×20 + 1×50), khá lớn đối với một bộ loa di động nhưng lại rất phù hợp với vóc dáng của Woburn. Đây cũng là một ưu thế không nhỏ để chiếm cảm tình của khách hàng, đặc biệt là các rockfan. Ngoài bluetooth, Stanmore còn có thể tiếp nhận các nguồn âm khác qua cổng RCA và optical nằm ở phía sau máy và cổng 3,5mm (chủ yếu cho các thiết bị phát nhạc cầm tay) ở cạnh trên. Rất đầy đủ.

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 5

 

 

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 6

 

Marshall Woburn không sử dụng ứng dụng phát nhạc riêng cho các thiết bị điện tử cầm tay bởi hãng có chung triết lý với B&W (khi ra mắt sản phẩm mới nhất T7): chuẩn atpX của kết nối bluetooth 4.0 đủ mạnh để mang đến thứ âm thanh có chất lượng tốt nhất, vì thế, một ứng dụng đi kèm có phần thành thừa thãi. Đơn giản, chỉ cần “cặp đôi” Woburn với smartphone/tablet là đã có thể yên tâm tận hưởng âm nhạc rồi. Woburn cũng không đòi hỏi vị trí set-up cầu kỳ, có thể đặt ở bất kỳ chỗ nào trong phòng. Loa có lỗ thoát hơi ở phía sau, vì thế, nếu muốn dải trầm uy lực hơn nữa, hãy kê Woburn vào sát tường. Trọng lượng 8kg là khá nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển giữa các không gian trong nhà.

Để kiểm tra chất lượng âm thanh của Woburn, chúng tôi sử dụng iPad mini làm nguồn phát tới Woburn qua kết nối bluetooth với các track nhạc lossless được rip trực tiếp từ CD bằng iTunes, file WAV và AIFF chuẩn CD (16bit/44,1 kHz). Dĩ nhiên, thứ âm nhạc mà Marshall trình diễn tốt nhất phải là rock. Những tiếng trống căng, nẩy và đầy uy lực trong bản nhạc quen thuộc Enter Sandman lấy từ album mang chính tên ban nhạc Metallica vang lên thực sự mạch lạc, rõ ràng và được kiểm soát khá tốt. Volume chỉ để khoảng một phần ba đã đủ cho âm nhạc tràn ngập căn phòng 20 mét vuông. Cũng như vậy, các fan của rock sẽ không có gì để phàn nàn khi được thưởng thức màn song tấu tuyệt vời của trống (Mick Fleetwood) và guitar (Lindsey Buckingham) ở đoạn intro bản I’m So Afraid – từ album live The Dance, nhóm Fleetwood Mac. Những cú riff điên đảo của guitarist Joe Satriani trong album Time Machine cũng được tái hiện lại đấy ấn tượng, cả về tốc độ cũng như các sắc thái âm thanh: gai góc, giằng xé, cuồng loạn.

Đáng nói hơn, dù chỉ là một bộ loa di động nhưng Woburn vẫn có thể tạo ra một sân khấu âm thanh rõ nét, dù không rộng lắm nhưng vẫn mang đến cho người nghe những cảm nhận chính xác về vị trí nhạc cụ trong không gian. Những tiếng trống chạy từ bên này sang bên kia ở bản So Far Away trong album Brothers In Arms của nhóm Dire Straits đã cho thấy Woburn có đầy đủ năng lực của một hệ thống âm thanh hi-fi rời chuẩn mực. Cũng nhờ khả năng này mà Woburn mang đến sự hài lòng nhất định với nhạc giao hưởng dù đôi lúc vẫn xuất hiện tình trạng “hụt hơi” ở những đoạn cao trào hoặc chưa bộc lộ được hết độ hoành tráng của tác phẩm.

So với đối thủ cạnh tranh trực tiếp cùng phân khúc là Geneva Model L thì Woburn thua sút hơn khi chơi jazz, vocal hay nhạc thính phòng. Dải trung của Woburn khá mộc nhưng lại hơi cứng, không đủ mềm mại, uyển chuyển, cũng như chưa thể bóc tách ra những cung bậc cảm xúc trong tiếng ca của các nữ nghệ sĩ như Diana Krall, Laura Fygi, Stacey Kent hay Norah Jones. Cũng như vậy, những âm thanh của bè dây trong bản The Barber Of Seville từ album Classic In The Air do dàn nhạc Paul Mauriat trình tấu dù vẫn ngọt ngào nhưng độ lả lướt, bay bổng và nhất là độ mở ở dải cao kém hẳn Geneva Model L. Tuy nhiên, những nhược điểm này hoàn toàn có thể bỏ qua nếu người sở hữu không phải một audiophile và chỉ tập trung vào nhu cầu thưởng thức âm nhạc.

Marshall Woburn - sống lại tinh thần classic rock ảnh 7

Năm 1965, nhóm The Who phải biểu diễn trong một không gian lớn hơn so với thường lệ và họ nhận ra loa và ampli Vox của mình không đạt được mức âm lượng cần thiết. Chính xác là 2 guitarist Peter Townshend và John Entwhistle cần mức âm lượng để tiếng đàn không bị tiếng trống lấn át và để khán giả không đánh mất sự tập trung vào phần trình diễn của ban nhạc. Peter Townshend tìm đến cửa hàng bán dụng cụ âm thanh Marshall và người sáng lập ra nó – ông James Charles Marshall quyết định bắt tay vào làm ampli công suất 100watt mang tên Super 100, cùng thùng loa 8 x 12 inch (20 x 20 cm), một kích thước khá đồ sộ ở thời điểm đó. Có thể coi đây là thời điểm Marshall chính thức gắn bó với lịch sử nhạc rock – hình ảnh một bức tường loa Marshall đã trở nên quen thuộc với công chúng kể từ sau đêm diễn của The Who…

Trả lời

Your email address will not be published.