Cảm nhận bộ đôi loa Sony SRS-XB3 và XB2. Không thể bỏ lỡ

Có đôi lần mà tất cả những sự khắt khe trong âm thanh sẽ tạm đặt lại ở phía sau, chúng ta đơn giản chỉ cần một chiếc loa để "quẩy" thật sung trong những chuyến đi dài ngày đầy nắng gió và sự mệt mỏi.

Khi ấy những thiết kế hoa mỹ, cầu kỳ dường như quá xa xỉ mà thay vào đó chúng ta cần độ bền, khả năng chống va đập, chống nước, thiết kế gọn gàng, màu sắc cá tính và đặc biệt là bass căng đét để xua tan những cái mệt mỏi, tăng thêm giây phút vui vẻ bên anh em với các bài EDM, rock,…. Và tất cả những điều đó được thể hiện gần như trọn vẹn với bộ đôi loa Sony SRS-XB3 và XB2 mà mình vừa có dịp trải nghiệm trong chuyến đi gần 1000 km vừa rồi.
 


Ưu điểm:

  • Bass mạnh mẽ, chắc, chất âm ấm áp
  • Chức năng Extra Bass thú vị
  • Hoàn thiện rất tốt, liền lạc, màu sắc cá tính, bắt mắt
  • Pin lâu, XB3 có cổng sạc USB cho thiết bị khác
  • Chống nước, chống bụi, chắc chắn

Nhược điểm:

  • Bass nhiều quá nên sẽ hơi lấn, độ chi tiết chưa cao
  • XB3 xài cổng sạc điện riêng thay vì sạc bằng microUSB

Thiết kế đơn giản, màu sắc nổi bật cá tính, hoàn thiện tốt, chống nước, pin lâu, kết nối đáng tin cậy
 

Sony_SRS_XB-3_TInhte_1.jpg

Kiểu thiết kế bóng bẩy, sang trọng mà chúng ta thường thấy ở những mẫu loa dòng SRS-X của Sony trước đây không còn nữa. Thay vào đó chúng ta có một chiếc loa đơn giản nhất có thể với những màu sắc đầy cá tính và bắt mắt. Chiếc XB3 của mình mượn được có màu xanh rêu, ngoài ra chúng ta còn có các màu đen, đỏ, lam đậm, nâu đất và cả màu xanh chuối mà mod @Trungdt Dt rất thích :D.

Và nếu như dòng X hồi xưa có thiết kế vuông vức như một viên gạch xây nhà để hài hòa cùng thiết kế kính bóng của nó thì XB3 có thiết kế phá cách hơn với hình dạng vát thấp dần từ trước ra sau và bo tròn mạnh ở các cạnh. Chất lượng hoàn thiện của dòng XB rất tốt, các chi tiết đều được làm rất sắc xảo và liền lạc, cho cảm giác rất chắc chắn. Kích thước của loa là khá vừa vặn cho một chiếc loa di động và rất thú vị, mình đã đặt nó vào trong hốc nhỏ ở băng ghế cuối của chiếc Innova mà bọn mình đi là cực kỳ vừa luôn.
 

Sony_SRS_XB-3_TInhte_2.jpg

Với kích thước như thế thì XB3 to hơn cả những người bạn khác tương đương phân khúc như JBL Charge 2, Bose Soundlink Mini 2 hoặc UE Boom 2. Về cân nặng, XB3 nặng khoảng 930gram, nghĩa là nặng hơn trong số những chiếc loa di động này. Và đánh đổi lại, bạn sẽ có thời lượng pin lâu hơn, sạc được luôn cho cả smartphone và trên phương diện nào đó, chất lượng âm thanh rồi cũng sẽ được cải thiện phần nào.
 

Sony_SRS_XB-3_TInhte_7.jpg

Toàn bộ mặt trước là một lớp lưới bảo vệ cùng màu với loa và nếu nhìn kỹ sẽ thấy lộ ra 2 củ loa và bộ cộng hưởng bass ở bên trong. Các mặt còn lại được phủ lên một lớp cao su mỏng, ở góc phải của cạnh trên sẽ là khu vực bố trí các nút điều khiển như tăng giảm âm lượng, tắt mở bluetooth, bật tắt nguồn, nhận cuộc gọi, tất nhiên là nút kích hoạt chức năng Extra Bass và nếu chú ý thì sẽ có 2 chiếc đèn báo trái phải khi pair 2 chiếc loa lại với nhau thành hệ thống stereo.
 

Sony_SRS_XB-3_TInhte_11.jpg

Ở mặt sau có thể được chia làm 3 phần khá rõ rệt, chính giữa lại được phủ lớp lưới bảo vệ và ở bên phải chúng ta có một nắp đậy mở ra được, bên trong là khu vực các cổng kết nối như 3.5mm, lỗ chứa nút reset, cổng sạc và cổng USB để sạc cho smartphone cắm vào. Nắp sau khi được đậy khá chắc chắn nhằm đảm bảo khả năng chống nước cho loa. Sony họ rất có kinh nghiệm làm các sản phẩm chống nước và điều đó hoàn toàn đúng đối với XB3 cũng như XB2. Bọn mình đã thử rửa loa bằng nước vừa phát nhạc, rồi cho hẳn vào chậu nước mà vẫn hoạt động hoàn hảo.
 

Sony_SRS_XB-2_TInhte_6.jpg

Cùng một dòng nên XB3 và XB2 mang âm hưởng thiết kế khá giống nhau. Tuy nhiên kích thước nhỏ hơn nên ngoại hình được làm lại cho tương xứng hơn. Chúng ta có 2 cạnh bên được bo tròn từ trên xuống dưới luôn thay vì vẫn còn hơi góc cạnh như của XB3. Các nút điều khiển cũng tương tự như XB3 ngoại trừ cụm đèn báo trái phải và nút ghép đôi loa cũng được loại bỏ. Và ở mặt sau chúng ta sẽ có một nắp cao su để che lỗ cắm 3.5mm và cổng sạc microUSB cho loa. Nhìn chung thì mình thích kiểu cổng sạc này hơn bởi đôi khi sẽ ké được với các cục sạc điện thoại khác, còn dùng cổng sạc riêng như của XB3 thì lỡ để quên ở nhà là thua luôn.

Bass đầy đặn, mạnh mẽ và "bạo lực", mid treble ấm áp
 

cv_Sony_SRS_XB-2_TInhte_s.gif

Mình đi thẳng vào vấn đề luôn, XB3 và XB2 đều cho đặc tính âm thanh giống như tên gọi của nó: bass. Năng lượng và chất lượng bass đều mang đậm dấu ấn của Sony và đôi khi là hơn thế nữa. Chúng ta có tiếng trầm rất mạnh, giàu năng lượng và uy lực so với một chiếc loa di động. Bass đánh mạnh, chắc, đầy đặn và ấm. Tuy nhiên nó không phải kiểu rặt một thứ bass điện tử mà phảng phất đâu đó sự nội lực đến từ cấu trúc vật lý và điều này được thể hiện rõ nét nhất bởi XB3 với bộ đôi củ loa 48mm của nó.

Những cảm nhận này được thể hiện khá rõ trong những lần mở EDM lúc ngồi trên xe trong chuyến đi, bọn mình đã có những giây phút "bùng cháy" và "bung lụa", điên hết cỡ nhằm xua đi cái mệt nhọc của hàng trăm km ngồi xe, sự buồn chán của không biết làm gì của cả đoạn đường ven biển miền Trung đầy nắng gió. Ngồi gõ những dòng này ở nhà và còn nhớ lại cảnh tượng cả bọn ghé vào một quán nước nhỏ có mỏm đá khi leo đèo Hải Vân, những bản nhạc được cất lên và tất cả đều đung đưa theo tiếng nhạc sôi động (không quá kích động như trong clip đâu) nhưng vô hình chung mình chợt nghĩ rằng: có những lúc mà sự khắt khe trong âm nhạc, những yêu cầu cao về âm thanh sẽ dời lại ở phía sau, còn ngay thời điểm đó chỉ còn là tiếng cười, là tiếng những bản nhạc vui vẻ "bố anh…." hay "Anh là người ngoài hành tinh." 

Đừng gọi nó là "Extra Bass" – Hãy gọi nó nó là "Extra Mid & Treble"

Và nên nhớ, tất cả những trải nghiệm khá đáng chú ý của tiếng bass nói trên là chưa kích hoạt chức năng Extra Bass. Khi nhấn nút kích hoạt, dường như âm bass bắt đầu bị giảm đôi chút chất lượng với decay dài hơn, bass đánh chậm lại, tối lại và kéo đuôi nhẹ. Sự khác biệt khi tắt và mở chức năng Extra Bass là khá đáng chú ý bởi nó cho cảm giác khá rõ là có một EQ đang chạy lên điều khiển chất âm của loa.
 

Sony_SRS_XB-2_TInhte_10.jpg

Khoan hãy vội thất vọng về chức năng được Sony rất tự hào khi giới thiệu này. Cái gì cũng có điểm mạnh và yếu của nó và điều này cực kỳ chuẩn khi nói về tính năng Extra Bass: nó giúp dải âm mid và treble ấm lên và cũng đầy đặn hơn! Vô hình chung, khi kích hoạt chức năng Extra Bass thì âm của XB-3 lại trở nên cân bằng hơn giữa 3 dải chứ không thiên về bass như khi tắt. Và bởi thế, nếu như ở chế độ bình thường, XB-3 cho cảm giác hơi thiếu đi sự bùng cháy của treble và độ mịn ngọt của mid nếu mang ra so với UE Boom 2 thì với Extra Bass, chênh lệch đó dường như đã bị sang phẳng. Dù vậy, nhờ vào lợi thế âm 360 độ nên Boom 2 lại cho âm trường rộng mở, thoáng đạt hơn so với XB3.

Trong một phép so sánh khác với Charge 2 của JBL thì âm của XB-3 không bị méo khi mở ở mức năng lượng cao. Mặt khác, XB mang đậm chất âm của Sony với cảm giác "công nghiệp", mạnh và đầy đặn, cho cảm giác ấm hơn ở 2 dải âm treble và mid nếu so với Charge 2. Tuy nhiên, nếu xét về độ chi tiết của các âm thì XB-3 có vẻ kém hơn so với mẫu loa của JBL.

Nhìn chung với mức giá lần lượt là 3,3 triệu và và 2 triệu đồng (ở nước ngoài là 150 và 100 đô la), 2 mẫu loa Sony SRS-XB3 và XB2 có thiết kế nổi bật, trẻ trung và hiện đại, hoàn thiện rất tốt, màu sắc cá tính, pin lâu, chống nước và các kết nối hoạt động cực kỳ tốt. Âm thanh được định hướng rõ là Extra Bass nhưng có vẻ như khi đào sâu khai thác khả năng nó qua thời gian trải nghiệm thì không chỉ EDM hay những bản nhạc nặng đô mà loa còn có thể đáp ứng được nhu cầu nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau. Nếu chấp nhận một số điểm nhỏ còn hạn chế thì rõ ràng đây thật sự là một lựa chọn khá đáng cân nhắc khi muốn "xách loa lên và đi".

Nguồn tinhte.vn

Trả lời

Your email address will not be published.